Kafka bên bờ biển — Nơi bóng tối dẫn đường

Clueless Wanderer
9 min readOct 2, 2021

--

Trước đây mình đã từng viết review quyển “Kafka bên bờ biển” rồi. Nhưng cách đây vài tuần có cuộc thi viết review sách, vậy là mình lại tham gia. Mình vẫn review quyển “Kafka bên bờ biển" nhưng có thay đổi nội dung và cấu trúc bài review lại cho phù hợp với cảm nhận bản thân ở thời điểm hiện tại.

Sau “Biên niên ký chim vặn dây cót”, mình gặp lại bác già với cuốn “Kafka bên bờ biển”.

Văn chương siêu thực của Murakami đã gây ấn tượng mạnh với mình ở “Biên niên ký chim vặn dây cót”. Với “Kafka bên bờ biển”, sở trường ấy vẫn được thể hiện rất đỉnh cao, thậm chí mình cảm thấy đây mới thực sự là đẳng cấp của tác giả. Ông luôn biết cách dẫn dắt mạch truyện và cấu trúc nhiều tầng ý nghĩa qua việc sử dụng những hình tượng ẩn dụ. Thế giới trong “Kafka bên bờ biển” là một thế giới đa chiều, bóng tối đan lẫn ánh sáng, sự sống lồng trong cái chết và ngược lại.

Trong một buổi phỏng vấn, Murakami cho hay một số đọc giả trung thành viết thư và bảo ông viết “càng ngày càng dở”! Còn ông thì khẳng định “tôi thì không nghĩ như vậy”. Mình chưa đọc nhiều Murakami nhưng ban đầu cũng khá hiểu vì sao vị đọc giả nọ phát biểu như vậy. Quyển “Kafka bên bờ biển” được viết sau quyển “Biên niên kỷ chim vặn dây cót”. Cũng vẫn là những “con mèo”, rồi tâm lý học, “tự vấn”, thể xác và tâm linh giành chỗ nhau. Ở “Biên niên ký chim vặn dây cót”, tuy vẫn có nhiều tuyến nhân vật phụ nhưng cốt truyện tuyến tính, tập trung hơn. Còn “Kafka bên bờ biển” thì có đến hai tuyến nhân vật chính song song. Và trong mỗi tuyến nhân vật chính lại có hàng tá những nhân vật không hẹn mà đến, không mời mà đi. Vô vàn nững hình tượng ẩn dụ xuất hiện. Câu chuyện kết thúc nói chung cũng có hậu nhưng có giải thích được những vấn đề đặt ra ban đầu không thì mình không nghĩ vậy.

Vậy văn chương siêu thực ở “Kafka bên bờ biển” đẳng cấp hơn ở điểm nào? Vấn đề nằm ở chỗ ông “kéo thả” và “hòa quyện” mọi thứ khác biệt lại thành một câu chuyện “ngay ngắn”, không hề lộn xộn. Đọc qua từng chương, rất nhiều thứ “nhảy” ra nhưng mình lại không hề bị rối hay rời xa mạch truyện chính. Các nhân vật phụ bây giờ không đơn giản chỉ là kể lại câu chuyện của họ cho nhân vật chính nữa. Mà họ trực tiếp ảnh hưởng đến tuyến truyện chính. Những ảnh hưởng đó dù ít hay nhiều, cũng làm cho mình cảm thấy mọi thứ đều liên quan mật thiết, không tách rời. Và dưới ngòi bút của mình, lằn ranh giữa thực và ảo trong câu chuyện dần trở nên mỏng manh. Đôi lúc mình có cảm giác nó sắp bị xóa nhòa. Vậy mới thấy tham vọng của Murakami khi bỏ tất cả mọi thứ hay ho của văn chương vào một quyển sách. Từ cách khai sinh một thế giới đối lập sáng tối giữa Kafka và Nakata, cho đến việc lồng ghép triết học Hegel, hay bi kịch Oedipus, cũng như âm nhạc cổ điển. Đọc “Kafka bên bờ biển” giống như ăn một nồi tả bí lù. Đọc giả thích cái gì thì có cái đó. Không am hiểu quá về văn chương (như mình) cũng bị cuốn và am hiểu tận tường chắc lại càng thú vị. Mình nghĩ quyển này đọc nhanh cũng được mà đọc chậm cũng không sao. Vẫn là một page-turner thứ thiệt. Vì sao? Mình chịu. Vẫn cái giọng kể từ từ, bình tĩnh đó mà hết việc này đến việc kia dồn dập xảy ra. Hơn một tá nhân vật lớn nhỏ cùng vô vàn hình tượng mà Murakami vẫn sắp xếp được mọi thứ đâu vào đấy. Thậm chí là hao hao ý tưởng với “Biên niên kỷ chim vặn dây cót” nhưng cách thể hiện về hình thức lẫn chiều sâu đều là một tầm cao mới. Quá tài tình!

Sau khi hoàn thành “Kafka bên bờ biển”, Murakami nhờ trợ lý của mình mở một hộp thư để đọc giả gửi câu hỏi, chỉ riêng cho quyển này. Ông nhận được 8,000 câu hỏi và trả lời trực tiếp 1,200 câu hỏi. Quyển sách có 467 trang, vậy trung bình cứ một trang ông lại nhận được 17 câu hỏi. Cuối cùng ông kết luận “Bí quyết để hiểu được quyển này là đọc nó nhiều lần”. Bó tay với Murakami. Chắc vì vậy mà mới có đọc giả than phiền nọ hahaha.

Thôi thì văn phong của Murakami từ đầu đã khác biệt nên nói nhiều hay ít cũng vậy. Mình muốn nói về một số nhân vật và hình tượng trong truyện hơn:

Kafka Tamura: nam chính. 15 tuổi bỏ nhà ra đi vì sợ bị lời nguyền độc địa của bố linh nghiệm. Kafka giống với câu chuyện của Oedipus. Mình hiểu Kafka là hình tượng của những cá nhân muốn vượt ra khỏi lối mòn (định mệnh?) để trưởng thành. Hoặc là những thanh thiếu niên có quá khứ muốn chối bỏ. Kafka cũng là phản ảnh của việc một con người đi sâu vào tâm hồn, tiềm thức để giải đáp những câu hỏi của số phận, qua đó tự cứu chuộc đời mình? Không khó để hiểu vì sao Kafka lại là nhân vật chính.

Cái thằng tên quạ: một nhân vật tưởng tượng? Mình hiểu đây là bản ngã của chính Kafka.

Cụ già Nakata: lão nam chính, mấy chục tuổi, bỏ nhà ra đi vì sợ cảnh sát thộp (lại bỏ nhà). Tuy Nakata là một người được miêu tả giống như bị thiểu năng, nhưng hành trình của cụ lại mang tính phiêu lưu nhiều hơn hẳn Kafka. Hành trình đó có thể được tóm gọn lại bằng một từ “tùy duyên”. Ông mù chữ, bị xem là đần độn nhưng vẫn cứ tiến lên phía trước. Việc gì đến sẽ đến. Mình hiểu nhân vật Nakata biểu trưng cho phần tâm linh/ siêu thực. Có khi nào Murakami dùng Nakata để thể hiện góc nhìn của Phật giáo, nói về bản chất mọi sự? Không thích không ghét, không lấy không nhận, không đúng không sai, không tương lai không quá khứ. Nhưng cái hay của Nakata là ông biết mình có một nhiệm vụ phải hoàn thành và theo đuổi nó đến cùng, tuy có những thời điểm ông không biết nó là gì. Một cái vỏ rỗng nhưng luôn chủ động cuộc đời mình.

Miss Saeki: “giám đốc” thư viện Komura. Là biểu hiện cho tinh hoa của cả thư viện. Biết và viết nhiều thứ, nhưng không để làm gì cả. Một nhân vật nữ 40 mấy tuổi, mất đi mục đích sống và bị bóng ma quá khứ nuốt chửng. Miss Saeki cũng đại diện một lớp người tinh hoa nhưng sống không thực tế chăng? Họ sống trong những ảo mộng đẹp đẽ để đến khi nó vỡ tan thì chính bản thân họ cũng tan vỡ? Nhưng cuối cùng đây lại là nhân vật nắm chìa khóa cho gần như mọi điều quan trọng. Cuối cùng, chỉ có Miss Saeki mới hóa giải được lời nguyền, bằng tình mẫu tử. Hình tượng nhân vật này thể hiện ý nghĩa gì khác nữa thì mình chịu, không hiểu được.

Bác tài Hoshino và anh quản thủ thư viện Oshima: hai nhân vật này không chính, nhưng cũng không phụ. Hoshino là người theo Nakata đến tận cùng của cuộc hành trình và hoàn thành mọi việc sau đó. Anh đặt toàn bộ niềm tin vào Nakata. Chỉ khi anh gặp Nakata thì cuộc đời anh mới thực sự thay đổi. Và chính một con người bình thường như Hoshino lại là người giải quyết được khá nhiều mấu chốt quan trọng của cả mạch truyện. Mình có cảm giác Hoshino là hình tượng của các cá thể “giác ngộ” được sứ mạng, mục đích của cuộc đời họ.

Oshima thì lại khá giống Nakata. Thậm chí tính “trung lập” của anh còn cao hơn cả Nakata. Anh không phải là nữ, cũng chẳng phải nam. Khi tiếp cận một vấn đề gì đó, anh luôn luôn cân nhắc giữa lý và tình. Thiết nghĩ Oshima nên là hình ảnh của thư viện Komura vì anh thể hiện sức mạnh của trí tuệ. Mọi thứ tồn tại ở Oshima luôn cân bằng. Oshima luôn chỉ đường đưa lối cho Kafka lúc bí game. Chính Oshima là người cho Kafka trú lại thư viện. Và cũng chính anh là người giới thiệu cánh rừng tâm thức cho Kafa. Miss Saeki cũng đặt một niềm tin tuyệt đối vào Oshima. Có lẽ ý của Murakami là, sở hữu kiến thức và trí tuệ thì bạn khó lạc lối trên đường đời. Phải vậy chăng?

Cuối cùng là “thư viện và cánh rừng”. Nếu thư viện có thể là hình tượng hiện thực, nơi mà Kafka tìm thấy được những ký ức của Miss Saeki (và của chính mình), cũng là nơi mà Kafka trú ngụ tạm thời, thì hình tượng khu rừng có vẻ là siêu thực, một nơi nửa sáng nửa tối (limbo), giữa nhận thức và vô thức. Khu rừng này là sâu thẳm bên trong tiềm thức của mỗi con người. Nơi họ dừng lại, trút bỏ mọi phòng vệ của bản thân và dũng cảm nhìn thẳng vào. Đây là nơi để Kafka hóa giải lời nguyền bệnh hoạn của người cha và tiếp tục sống phần đời còn lại của mình. Nhưng có một chi tiết khá lấn cấn. Kafka lần đầu tiên đến khu rừng nhưng không dám vào sâu. Sau đó về thư viện làm việc một thời gian rồi mới quay lại cánh rừng để chạy trốn. Lúc này Kafka mới đủ can đảm để tiến sâu vào bên trong. Có lẽ Murakami lại nói, khi có tri thức con người mới có đủ khả năng thâm nhập vào tâm thức sâu thẳm của mình?

Ảnh một dạo mình đi rừng chụp lại được. Mình cảm giác giống khu rừng trong quyển sách.

Khép lại quyển sách, mình trăn trở khá nhiều. Bây giờ mình đã hiểu tại sao đọc giả lại gửi tận 8,000 câu hỏi cho Murakami. Mọi thứ có vẻ vẫn chưa được giải quyết triệt để. Tuy nhiên, đọc sơ một lần nữa thì mình thấy ngược lại. Những vấn đề “có vẻ” chưa được giải quyết chỉ là những vấn đề thứ yếu. Còn những vấn đề cốt lõi thì đã xong xuôi. Vậy cuối cùng cánh rừng đó thật sự là gì? Hay vì sao cha của Kafka lại đặt một lời nguyền cay độc vậy lên con trai mình? Những vấn đề như vậy không quan trọng hơn là đến cuối con đường, Kafka đã tìm thấy được sự cứu chuộc khi chấp nhận, tha thứ cho người mẹ và những ký ức về bà. Để sau đó, cậu sống một cuộc đời mới, thanh thản và giác ngộ. Mình tin đây mới chính là tính nhân văn mà Murakami muốn hướng tới. Là một người chịu nhiều sự ảnh hưởng văn chương Tây phương, nhưng tác giả vẫn giữ được cái hồn châu Á trong tác phẩm của mình. Ông sử dụng triết học Hegel để làm điểm tựa ban đầu nhưng cuối cùng hóa giải nghiệp chướng bằng triết lý nhà Phật. Lúc đó mình chợt hiểu vì sao Murakami đã khẳng định ông không hề “viết càng ngày càng dở”.

Dù Murakami là một hiện tượng luôn gây tranh cãi, mình không bao giờ cảm thấy các tác phẩm của ông không hoàn thành nhiệm vụ. “Kafka bên bờ biển” cũng không phải ngoại lệ. Nền tảng ý tưởng vững chắc, cốt truyện li kỳ, hệ thống nhân vật và tình tiết vừa hoành tráng vừa lôi cuốn, và quan trọng nhất là nó khơi gợi cho bản thân mình cảm giác an ủi và khai sáng. Mình không đòi hỏi gì hơn nữa ở tác phẩm này của bác già.

--

--

Clueless Wanderer

I write short stories, reviews, and opinions. Interested in reading, cashew and denim. A content writer for Tanimex-LA.