Lược Sử Loài Người — Yuval Harari — Book Review

Clueless Wanderer
5 min readSep 4, 2021

--

Quyển này thì quá nổi tiếng, nhiều người cũng đã review rồi nhưng lâu quá cũng không viết gì nên mình cũng bon chen một chút.

Nội dung sách bàn về sự phát triển của Homo Sapiens bắt đầu từ các quần thể ở châu Phi và lan rộng ra trên toàn thế giới như thế nào. Cụ thể hơn nữa, sách bàn về những quá trình và sự kiện đã làm cho Homo Sapiens từ một loài động vật không có gì nổi trội, tiến hóa và phát triển để bây giờ trở thành chúa tể muôn loài. Nội dung được chia ra thành những phần chính như sau:

• Cách mạng nhận thức: những người tối cổ đã được tìm thấy ở đâu, như thế nào và họ đã di dân qua các vùng đất khác ra sao. Vì sao chúng ta ban đầu không có gì nổi bật hơn các loài khác nhưng khả năng sinh tồn lại rất cao và thậm chí sau này là nguyên nhân diệt chủng của hàng loạt những loài khác?

• Cách mạng công nghiệp: thuần hóa (hay bị thuần hóa?) các giống cây nông nghiệp đã cải thiện khả năng sinh tồn của Homo Sapiens như thế nào. Chúng ta đã phải trả giá gì cho một cuộc sống no đủ hơn và khả năng duy trì nòi giống tốt hơn? Xã hội cổ đại được tổ chức như thế nào? Chữ viết xuất hiện.

• Sự thống nhất của loài người: những dân tộc khác biệt đã tiến lại gần nhau như thế nào? Những sự kiện nào đã tạo ra những mối tương tác hoặc ràng buộc giữa các dân tộc? Sự xuất hiện của tiền, đế quốc và tôn giáo.

• Cách mạng khoa học: những nhân tố nào đã thúc đẩy khoa học phát triển? Nó đóng góp gì cho cuộc sống hiện đại của con người? Khi con người có năng lực của Chúa với sự hỗ trợ của khoa học, họ sẽ làm gì?

Đúng với từ “lược sử”, sách không kể lể dài dòng các sự kiện, chi tiết của lịch sử. Yuval Harari thực sự biết mình cần phải viết gì và viết nó như thế nào. Ông chỉ bàn về những nghi vấn nổi bật, những sự kiện cốt lõi trong sự phát triển của loài người và ảnh hưởng của nó đến lịch sử. Mình thích cách tiếp cận này. Tác giả khơi gợi người đọc nhiều hơn là cho họ tiếp thu thông tin một cách thụ động. Theo ông, lịch sử là để nghiên cứu những diễn biến và sự kiện cụ thể và ảnh hưởng của nó đến con người và muôn loài vạn vật khác như thế nào. Chứ không phải chỉ đơn thuần kể lại những thứ đã diễn ra. Sứ mạng của người nghiên cứu lịch sử là băn khoăn suy nghĩ về những ngã rẽ lịch sử quan trọng. Tại sao những thứ này đã xảy ra chứ không phải là những thứ khác. Loài người đã có những chọn lựa nào tại các mốc sự kiện đó trong dòng thời gian? Họ có thể làm khác đi không? Lịch sử của Yuval Harari tràn ngập những câu hỏi. Ông nghi vấn tất cả mọi thứ để phân tích và tìm ra được bài học cho con người. Để hi vọng những quyết định tiếp theo của chúng ta trong tương lai không dẫm vào các vết xe đổ.

Nói như vậy cũng không phải là người đọc chỉ nhận một đống câu hỏi mà không tiếp thu được những kiến thức mới. Tác giả có những ý tưởng rất độc đáo về con người ví dụ như cách nhìn ông về “truyền thuyết” hoặc “trật tự tưởng tượng”. Đây là những thứ gắn kết con người lại với nhau và giúp loài người trở thành chúa tể muôn loài. Nhưng nó chỉ là tưởng tượng, và con người tin vào đó. Bây giờ mình mới thực sự cảm thấy trí tưởng tượng khủng khiếp ra sao. Đúng như Einstein nói: “Trí tưởng tượng thì quan trọng hơn tri thức”. Tri thức bị giới hạn bởi trí tưởng tượng, nhưng bản thân trí tưởng tượng thì không có giới hạn.

Cách hành văn của tác giả thì chắc mình khỏi bàn nhiều. Ông viết mọi thứ ngắn gọn, mạch lạc dễ hiểu. Ngôn từ không đao to búa lớn mà thậm chí nhiều đoạn còn có phần hài hước. Chắc vì vậy mà mình mới đọc sách của ông rất trơn tru và ông có một lượng fan cục khủng trên toàn thế giới, đặc biệt là các chị em. Bản thân mình thích phần đầu khi ông phân tích về quá trình thống trị của loài người với muôn loài. Theo ông, những trận đại hồng thủy và thảm họa thiên nhiên là có thật. Nhưng nó không phải là lý do để các loại sinh vật tuyệt chủng biến mất. Mà chính Homo Sapiens với bản chất tàn bạo của mình mới là nguồn cơn.

Và chương cuối khi Harari bàn về hạnh phúc và mục đích sống của con người cũng để lại nhiều suy nghĩ. Mục đích của nghiên cứu lịch sử là gì nếu nó không phân tích được thực sự con người có trở nên hạnh phúc hơn? Nếu con người thực sự hạnh phúc hơn nhưng để đổi lấy điều đó là sự diệt chủng hoặc thống khổ của các loài sinh vật khác thì điều đó có đúng đắn? Mục đích của cuộc sống là gì hay thực ra cuộc sống của chúng ta không hề có một mục đích nào? Loài người có thật sự có một sứ mạng đặc biệt trong vũ trụ này không hay chỉ đơn giản là một loài động vật may mắn tiến hóa và tồn tại theo thời gian? Những chương cuối cùng của quyển sách sẽ xoay quanh các vấn đề trên.

Lược sử loài người theo mình là một quyển sách đáng được 5 sao khi có nội dung cuốn hút, cách tiếp cận lịch sử và quan điểm rõ ràng, và mục tiêu tối thượng hướng đến các câu hỏi triết học khó nhằn về hạnh phúc, sự tồn tại, và mục đích của loài người. Mình xin mượn lời của Yuval Harari để kết thúc. Ban đầu Homo Sapiens chỉ là một loài động vật không có gì nổi trội. Nhưng hiện tại bây giờ chúng ta đã có năng lực của Chúa Trời. Câu hỏi mà chúng ta đang đối mặt hiện tại có lẽ sẽ không phải là “Chúng ta muốn trở thành gì?” mà là “Chúng ta muốn mình muốn gì?”. Tương lai của chúng ta sẽ đi về đâu nếu những vị Chúa thực sự không biết mình muốn gì?

--

--

Clueless Wanderer

I write short stories, reviews, and opinions. Interested in reading, cashew and denim. A content writer for Tanimex-LA.